Elijah Ben (quốc tịch Anh) thành thạo tiếng Pháp, Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Do Thái. Trong 10 năm dạy tiếng Anh tại Nhật Bản, anh đúc kết 9 lỗi sai mọi người hay gặp.

1. Thất vọng vì sai lầm

Khi bắt đầu học ngôn ngữ với giáo viên nước ngoài, bạn sẽ đi từ những thứ cơ bản đến vĩ mô. Việc bạn gặp lỗi sai là rất bình thường, thậm chí trong những bước học ngôn ngữ, việc mắc sai lầm là quan trọng. Bằng cách mắc lỗi, bạn đã mở ra cơ hội học cho bản thân và khắc ghi lâu hơn.

Vì vậy, quá trình luyện tập, bạn hãy nhẫn nại và dễ chịu với việc mắc sai lầm. Nó giống việc học cách thất bại trong cuộc sống. Tất cả đều mang lại giá trị cho bạn nên đừng tuyệt vọng, hãy chịu khó luyện tập và dành thời gian cải thiện.

2. Chọn sai cách học

Cách học cũng quan trọng như những gì bạn học. Mỗi người sẽ có cách học và tiếp nhận kiến thức khác nhau. Bạn không nên áp dụng cách của người khác nếu không thấy hiệu quả mà nên tìm ra phương pháp học riêng cho mình.

Học ngoại ngữ hiệu quả là dựa trên năng lực cá nhân, thói quen và nếp sinh hoạt của mỗi cá nhân. Trước khi học, hãy cân nhắc sở thích của bạn là gì và lựa chọn nguồn tài liệu hợp lý. Song song với đó, hãy tự trả lời một số câu hỏi về cách học, ví dụ: Bạn thích thực hành hay lý thuyết?; Bạn thích học theo cách truyền thống (ghi chép ra giấy) hay thích học theo cách công nghệ (sử dụng phần mềm)... Hãy cân nhắc các phương pháp, xem cách nào phù hợp nhất với mình.

3. Học sai từ vựng

Trong các ngôn ngữ, từ vựng có thể chia theo cấp độ từ đơn giản đến khó. Nhiều học sinh của tôi vì không tìm hiểu kỹ, luôn tìm cách học từ cấp độ cao hơn trình độ, dẫn đến việc không thể tiếp nhận, thường xuyên mắc lỗi và chán chường.

Nếu bạn mới bắt đầu học ngoại ngữ, hãy tập trung vào những từ vựng hữu ích trong giao tiếp hoặc thuộc cấp độ phù hợp trình độ. Giá trị cốt lõi của việc học ngoại ngữ là để giao tiếp, vì vậy hãy bắt đầu với những từ đơn giản và thực tế. Chữ số, màu sắc, phương tiện giao thông, gia đình, đồ ăn là những đề tài phù hợp với người mới học ngôn ngữ.

4. Không học từ âm thanh

Âm thanh là một phần cần thiết cấu thành nên ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi nhận thấy rất nhiều người học chỉ tập trung vào ngữ pháp, từ vựng mà bỏ qua việc học nghe, nói. Thông qua âm thanh, mỗi người sẽ tiếp thu ngôn ngữ tốt hơn và phù hợp được nhu cầu giao tiếp, điều tất yếu của ngôn ngữ. Tôi không phủ nhận sự cần thiết của kỹ năng đọc và viết, bạn hãy ôn luyện cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc và viết cùng lúc.

5. Ngại phát âm

Mỗi ngôn ngữ có âm thanh riêng. Ví dụ nếu ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn dựa theo bảng chữ cái Latinh, khi gặp ngôn ngữ tượng hình (như tiếng Trung Quốc), bạn sẽ không biết phát âm theo hay lắng nghe. Khi học bốn thứ tiếng, tôi phải di chuyển khẩu hình miệng theo đủ phương thức khác nhau để phù hợp. Đó có thể là điều đáng sợ với những người bắt đầu học.

Nhưng đừng lo lắng về điều đó. Ban đầu bạn sẽ cảm thấy dè dặt và không tự nhiên khi học phát âm nhưng kỹ năng này có thể trau dồi và tiến bộ theo mỗi ngày, miễn là bạn cần cù luyện tập. Một trong những phương pháp học nói hiệu quả là giao tiếp với người bản ngữ vì họ sẽ giúp bạn điều chỉnh khẩu hình và sửa lỗi phát âm. Hãy bước qua tự ti và mặc cảm ban đầu để dành cho chính mình những cơ hội học hay ho.

6. Tập trung quá nhiều vào ngữ pháp

Như tôi đã phân tích ở trên, tập trung quá nhiều vào ngữ pháp không phải là phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả. Việc chú tâm quá nhiều vào ngữ pháp không làm bạn tạo nên nền tảng cơ bản ban đầu mà chỉ làm bạn đau đầu, mất thời gian cho kiến thức khó hơn so với trình độ.

Các bài học về ngữ pháp có thể được học sau khi bạn đã làm quen với ngôn ngữ. Khi mới học ngữ pháp, bạn không nên dùng quá nhiều từ vựng hoặc từ vựng cấp độ cao. Hãy tạo nên từ ngữ pháp cơ bản với những từ vựng cơ bản rồi dần dần nâng cao trình độ.

7. Không tạo ra câu hoàn chỉnh

Xây dựng câu là một phần quan trọng của việc học ngôn ngữ nhưng thường bị bỏ qua do người học quá để ý vào những từ vựng cơ bản như "Xin chào", "Tạm biệt", "Cảm ơn". Sau khi bắt đầu với những từ vựng lẻ, bạn hãy học cách tạo ra câu hoàn chỉnh. Từ đó, khi đối thoại, bạn sẽ phản xạ nhanh hơn để nói ra câu hoàn chỉnh.

Những câu cơ bản có thể giúp bạn phát triển vốn từ vựng. Hãy bắt đầu xây dựng câu đơn giản bằng những động từ, từ vựng cơ bản. Sau khi chuyện này trở nên dễ dàng hơn, bạn có thể thêm giới từ, trạng từ, làm câu nói phong phú hơn.

8. Không cho mình đủ thời gian

Tôi từng gặp nhiều người sớm thất vọng việc học ngoại ngữ mới vì thiếu động lực và không nhìn thấy sự tiến bộ của chính mình. Điều này là dễ hiểu nhưng mỗi khi bạn muốn từ bỏ, hãy nhớ rằng việc học ngoại ngữ cần thời gian và sự kiên nhẫn. Bạn hãy ghi lại con đường học của chính mình, sau thời gian, bạn sẽ nhận ra có sự thay đổi dù có thể rất nhỏ. Học ngoại ngữ là sự liên tục trau dồi nên bạn không thể mong mình thay đổi trong một sớm một chiều. Bạn nên xây dựng kế hoạch, đặt ra mục tiêu ngắn hạn, khi đạt được bạn sẽ có thêm sức mạnh tiếp tục cố gắng.

9. Lắng nghe người bản ngữ

Sau thời gian học, bạn cần thử vận dụng kiến thức vào thực hành, tức là giao tiếp với người bản ngữ. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy thất vọng vì dù đã gắng sức học, bạn vẫn không thể hiểu tất cả những điều người bản ngữ nói. Khi ấy, hãy nhớ rằng bạn đang học, bạn không phải người bản ngữ nên không thể nghe và nóitrôi chảylưu loát như họ. Hãy lấy đó làm động lực để cố gắng tiếp và đừng nản chí mà từ bỏ.

Học ngoại ngữ mới không hề đơn giản và cần rất nhiều nỗ lực, kiên trì. Hãy nhớ lại bạn mất bao nhiêu thời gian để làm chủ ngôn ngữ của mình. Điều thiết yếu nhất là không từ bỏ và giữ thói quen học.



Today Education - Cung cấp giáo viên bản ngữ