Bài viết của 1 trong số các nhân viên vừa bị VNA Pharm đẩy ra ngoài đường ngay trước tết nguyên đán Ất Mùi đang nhận được nhiều sự đồng cảm và chia sẻ của cư dân mạng .Đồng thời đặt dấu hỏi chấm lớn cho cách đối xử với nhân viên của lãnh đạo VNA Pharm ??


1 tâm sự của nhân viên khác : https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1432707380353952&id=10000 8441112411&substory_index=0

Còn đây là tâm thư của 1 ng " Trung thần " :

34 tuổi, có không ít những kinh nghiệm thành bại, đắng cay, vấp váp trong sự nghiệp ở đời. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ gặp phải tình cảnh trớ trêu và bi đát như thế này.

Sau một thời gian gặp khó khăn trong công việc kinh doanh, vì những lý do khách quan, vì cuộc sống gia đình và trách nhiệm với vợ con. Tôi đã quyết định tạm dừng những công việc và dự án của mình lại, để tìm một công việc làm thuê – một hướng đi khác cho sự nghiệp của mình.

Nộp hồ sơ và đi phỏng vấn. Với khả năng và kinh nghiệm làm việc của mình, tôi nhận được không ít lời mời làm việc của các công ty. Tuy nhiên tôi đã chọn một nơi có điều kiện và môi trường làm việc khó khăn nhất, để đặt niềm tin và hy vọng bắt đầu lại sự nghiệp của mình. Lý do lớn nhất để tôi lựa chọn làm việc tại công ty là bởi tôi nhìn thấy ở nó có những cơ hội phát triển, với thương hiệu mà nó đang sử dụng để kinh doanh, tôi biết mình có thể làm được nhiều điều trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.

Đến làm việc được vài ngày, tìm hiểu mọi khía cạnh của công ty, tôi nhận ra rằng công ty có quá nhiều bất ổn và khó khăn hơn mình tưởng, đặc biệt là vấn đề tài chính khó khăn và nhân sự thiếu kinh nghiệm. Quyết định nói chuyện riêng với sếp về tất cả những vấn đề mà mình nhìn nhận thấy, để tìm cách giải quyết hoặc sẽ ra đi. Sau khi nghe những ghi nhận của sếp về những ý kiến của mình và nghe sếp chia sẻ về những tâm huyết mong muốn phát triển công ty, tôi đã mủi lòng và quyết định ở lại để gắn kết và giúp sếp. Hơn ai hết là người đã từng thất bại trong kinh doanh, tôi hiểu những lúc khó khăn như này, người lãnh đạo cần người trung thành giúp mình đến như thế nào.

Sau buổi nói chuyện với sếp, tôi lao đầu vào làm việc không kể ngày đêm và coi đó là công việc của mình, công ty của mình và mình đang làm việc cho sự nghiệp của mình, chứ không còn đơn thuần là đi làm việc thuê cho sếp nữa.

Sau hai tuần làm việc, tôi trình lên sếp một dự án hoàn chỉnh, với đầy đủ các dự toán chi phí, kế hoạch thực hiện, dự kiến nhân sự… và thời gian đủ dài để thực hiện một dự án, trong tình hình thực tế của công ty. Tuy nhiên khi bước vào giai đoạn triển khai dự án được vài hôm, thì sếp đột ngột ra quyết định không thực hiện dự án tôi đưa ra nữa, mà yêu cầu tôi chỉnh sửa lại và đi vào thực hiện dự án do những nhân viên cũ đưa ra nhưng chưa hoàn thiện (Sau này tôi mới hiểu rằng lý do chính để sếp đưa ra quyết định đó là vì do không huy động được tài chính để triển khai dự án và sếp muốn thực hiện dự án cũ vì nghĩ rằng nó là dự án thuộc dạng “Mỡ nó rán nó – Tay không bắt giặc” trong kinh doanh).

Phân tích và nói thẳng vấn đề với sếp về tính không khả thi của dự án, nhưng những góp ý và quan điểm của tôi dường như không được sếp lưu tâm. Sếp vẫn yêu cầu thực hiện dự án.

Vốn là người không dễ dàng từ bỏ trước những khó khăn, phóng lao thì phải theo lao, thêm vào đó những khó khăn mà tôi đã từng gặp phải trong lúc kinh doanh trước đây khiến tôi không thể bỏ sếp của mình vào lúc đó. Bằng tất cả khả năng và những mối quan hệ của mình, tôi tìm kiếm những sự hỗ trợ, tài trợ, rồi chỉnh sửa cho dự án được khả thi hơn. Tuy nhiên lực bất tòng tâm, dù đã cố gắng hết sức không kể ngày đêm… nhưng do những thiếu thốn về tài chính, đội ngũ nhân sự vừa thiếu vừa ít kinh nghiệm, khiến một mình tôi không thể xoay sở hết. Dự án diễn ra thu được một số những thành công nhất định, nhưng vẫn gặp phải những vấn đề và tôi lại phải là người đứng ra xử lý khủng hoảng đó. Lúc đứng ra để xử lý những khủng hoảng cho công ty và cho sếp, tôi không hề mảy may nghĩ tới bất kỳ điều gì khác, ngoài việc giúp sếp thoát khỏi tình cảnh khó khăn và dự án được hoàn thành với hình ảnh tốt đẹp, để từ đó có thể có cơ hội làm lại những dự án khác và phát triển công ty. Sếp và công ty lúc đó, với tôi nó là máu thịt của mình.

Để giải quyết những khủng hoảng công việc của sếp của công ty, giữa đêm đông giá rét không một đồng tiền trong túi, không có nơi ăn ngủ, 2 giờ sáng tôi phải đi xe máy gần 50 cây số về nhà.

Sau tất cả những công sức, tâm huyết, sự hy sinh đó của tôi, sếp nhắn cho tôi một tin nhắn bảo cho tôi và các nhân viên nghỉ bù vài ngày sau khi kết thúc dự án. Tuy nhiên đó cũng là tin nhắn cuối cùng tôi nhận được từ sếp của mình cho đến giờ này (sau gần 3 tuần kết thúc dự án). Không một lời xin lỗi, giải thích hay bất kỳ điều gì khác, từ điện thoại, email, facebook… sếp không trả lời bất kỳ một sự liên lạc nào của tôi. Hai tháng nợ lương, cộng số tiền chi phí phải trả cho những nhân sự thực hiện dự án mà tôi phải dùng uy tín cá nhân của mình để đi xin xỏ, nhờ vả họ đến giúp đỡ… giờ sếp để tôi phải mang tiếng và gánh nợ…

Nhìn tết đang sầm sập đến gần mà trong túi không có nổi một đồng, nhìn vợ con nheo nhóc, gia đình túng quẫn khi năm mới xuân sang mà nước mắt tôi lúc này cứ trào ra. Tôi không ân hận vì mình đã cố gắng giúp người khác trong lúc họ khó khăn, tôi không tiếc những tháng ngày vất vả làm việc quên ăn, quên ngủ, bỏ mặc vợ con… để mong cho dự án được xuôi chèo mát mái, công ty của sếp có cơ hội phát triển. Nhưng giờ đây, trong hoàn cảnh này, tôi lại phải cay đắng tự hỏi mình “Phải chăng làm người tốt bây giờ là khó, làm người tốt bây giờ là mang sự thiệt thòi, khó khăn về cho bản thân và vợ con mình!? Phải chăng sau này có đi làm ở một nơi nào khác, tôi nên cất đi hai từ Trung Thành với công ty, với sếp ở một góc nào đó thật sâu!?”, hay nếu có ai đó muốn xin một lời khuyên khi đi làm thì tôi lại phải cay đắng mà nói với họ rằng “Làm nhân viên hãy trung thành, nhưng đừng mù quáng”.