Du lịch Mộc Châu - Khác với người Kinh, những người dân tộc Mông ở Mộc Châu ăn tết vào đầu tháng Chạp âm lịch. Tết của người Mông chỉ diễn ra trong ba ngày nhưng trước đó cả tháng, khắp nơi nơi ở các xã Lóng Luông, Lóng Sập, Chiềng Sơn, Chiềng Xuân, Tân Lập đã tưng bừng, rộn rã không khí đón xuân.
Cái tết sớm của người Mông được người Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Đàn bà lo hoàn thiện những đường thêu cuối cùng để người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông kiếm tiền mua thịt, sắm đồ trang trí nhà cửa.

Người Mông quần áo tươm tất trong ngày Tết. ( Nguồn: Internet )

Nếu người Kinh không thể thiếu bánh chưng, bánh tét để cúng trời đất thì người Mông phải có bánh dày. Họ quan niệm bánh dày có hình tròn, tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng – là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên trái đất.

Chợ Tết đầu năm mới của người Mông. ( Nguồn: Internet )

Gạo nếp nương sau khi ngâm và đồ thành xôi sẽ được cho vào máng gỗ. Những chàng trai bản khỏe mạnh sẽ dùng chày giã nhuyễn xôi, sau đó gói lại bằng lá chuối. 6 cặp bánh gồm 12 chiếc đầu tiên tượng trưng cho 12 tháng trong năm được dâng lên các vị thần và trời đất. Những chiếc bánh còn lại được xếp vào hũ gỗ để ăn và đãi khách.
Người Mông không đón giao thừa mà họ cho rằng tiếng gà gáy đầu tiên của ngày mùng 1 mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Những ngày này, đàn ông trong nhà dậy sớm làm mọi việc thay phụ nữ từ dọn dẹp nhà cửa, cho gia súc ăn đến nấu cơm, giặt giũ… Họ quan niệm, đàn ông là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong nhà phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Cái tết sớm của người Mông có phong tục dán giấy lên các công cụ lao động và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân “người bạn” trong lao động, sản xuất. Sau đó, họ đến chúc Tết nhà bạn bè, người thân rồi cùng thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Những ngày Tết họ kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng thổi lửa, kiêng tiêu tiền, không xin ai hoặc cho ai cái gì, không ăn cơm chan, không hót rác.
Từ mùng 4, người Mông mới bắt đầu đi chơi Tết. Những bộ váy áo đẹp nhất sẽ được trưng diện trong dịp này. Bên cạnh màu trắng tinh của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên cánh đồng cải ngút ngàn, tiếng leng keng của đồng bạc hoa….

Người dân náo nức du xuân ngày đầu năm mới. ( Nguồn: Internet )

Tết cũng là dịp người Mông ở Mộc Châu tổ chức các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đánh quay… Nếu có dịp vào các bản Pa Khen, Tà Phình, Phiêng Cành ở thị trấn Nông trường và xã Tân Lập, bạn hãy tìm đến các sân vận động rộng, nơi bà con tập trung để chơi xuân. Trong không khí rộn ràng đầu năm, bạn sẽ hiểu thêm về văn hóa ngày Tết của người Mông thông qua điệu múa xòe ô và tiếng khèn réo rắt.