UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương dành 9 khu đất rộng hơn 60.000m2 để xây nhà ở xã hội. Đây là lần đầu tiên TP bố trí quỹ đất cụ thể và lên kế hoạch đấu thầu chọn chủ đầu tư để xây nhà ở xã hội.

Ông Trần Trọng Tuấn - giám đốc Sở Xây dựng - cho biết 9 khu đất này ở nhiều quận huyện như quận 4, 6, 9, 12, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, đang do Nhà nước trực tiếp quản lý.

Hiện có 8 khu đất đã được UBND quận, huyện xác định chỉ tiêu quy hoạch làm cơ sở để đấu thầu chọn chủ đầu tư. Riêng khu đất rộng gần 12.000m2 tại P.Tân Thới Nhất (quận 12) đã được xác định chỉ tiêu quy hoạch với khoảng 540 căn hộ.

Đấu thầu chọn chủ đầu tư

Ông Trần Trọng Tuấn cho biết Sở Xây dựng đã kiến nghị với UBND TP trước mắt cho phép tổ chức đấu thầu mời gọi đầu tư để các nhà đầu tư đăng ký. Khu đất nào chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thì thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư theo quy định của Luật nhà ở. Nếu có hai nhà đầu tư trở lên đăng ký thì sẽ chờ hướng dẫn của Bộ Xây dựng về đấu thầu chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc mời gọi nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội trên các lô đất công chưa hấp dẫn. Bởi chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội phải dành 20% căn hộ để cho thuê, 60% căn hộ bán theo giá do Nhà nước thẩm định, chủ đầu tư chỉ kinh doanh 20% căn hộ và lợi nhuận định mức của dự án tối đa là 10%.

Trước đây, Sở Xây dựng đã từng thông báo rộng rãi mời gọi nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội trên khu đất rộng hơn 7.000m2 ở P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức nhưng chỉ có hai nhà đầu tư đăng ký tham gia và đều không đáp ứng được yêu cầu theo quy định về đấu thầu. Hiện dự án trên đang được Sở Xây dựng thực hiện lại quy trình lựa chọn chủ đầu tư.


Vẫn còn thủ tục cản trở

Theo quy định, nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư thì doanh nghiệp phải tự xét các điều kiện của người mua nhà. Danh sách người mua sẽ được doanh nghiệp chuyển đến Sở Xây dựng để kiểm soát, tránh tình trạng một người được hưởng chính sách nhà ở xã hội hai lần. Cơ quan nhà nước không can thiệp vào việc xem xét điều kiện của người mua nhà.

TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM) cho rằng quy định hiện hành còn gây khó khăn khi người dân tiếp cận nhà ở xã hội.

Ví dụ như mức thu nhập của người mua nhà phải từ 9 triệu đồng trở xuống và phải có cơ quan chức năng xác nhận thu nhập. Nhưng người làm nghề tự do làm sao xác nhận được? Thông tin về dự án nhà ở xã hội hiện không nhiều, không rộng rãi nên nhiều người dân thuộc đối tượng mua nhà không biết hỏi ở đâu.

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng nguồn vốn để vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện quá ít (TP.HCM mới chỉ được cấp 50 tỉ đồng). Điều kiện vay rất khó khăn như người mua phải gửi tiết kiệm nhà ở xã hội tại ngân hàng này một năm, căn hộ mua phải không bị thế chấp...

Thủ tục xác nhận thu nhập, xác nhận về diện tích nhà ở cũng làm khó người dân bởi các đơn vị sử dụng người lao động sợ trách nhiệm. Và mặc dù có quy định về việc hỗ trợ bù lãi suất cho người dân vay tiền ở các ngân hàng thương mại để mua nhà ở xã hội nhưng hiện nay chưa có nguồn tiền để bù lãi suất...

TS Dư Phước Tân đề xuất đưa thị trường nhà ở xã hội thành thị trường tự do, không nên xem việc được mua nhà ở xã hội như một đặc quyền của những người thu nhập thấp, người thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội để rồi có hiện tượng chuyển nhượng "quyền được mua" để hưởng chênh lệch. Nhà nước chỉ ưu đãi cho chủ đầu tư để hạ giá thành nhà cho người có thu nhập thấp tự mua, không phải bù lãi suất hay vay ưu đãi.

D.NGỌC HÀ

TUỔI TRẺ