Mật Ong Rừng Tràm ✓Từ lâu, người dân U Minh có nhiều kinh nghiệm gác kèo cho ong làm tổ. Việc này đòi hỏi phải khéo tay và có nhiều kinh nghiệm. Kèo là một nhánh cây tràm có nhiều cành non tua tủa. Người thợ rừng chặt lấy một đoạn chừng vài mét, rồi tìm chọn địa thế cho thích hợp và một cây tràm cho thật vừa ý. Đó là cây vừa kín đáo vừa im ắng, có ít nhiều bóng nắng rọi vào. Con ong kén chọn cũng chẳng kém. Nó không thích làm tổ ở nơi rợp bóng cây, vì ở những nơi ẩm thấp bao giờ mật cũng có vị chua.


Nghề gác kèo săn mật ong rừng Tràm U Minh tại Cà Mau

Gác kèo xong còn phải làm sạch những nhánh cây xung quanh để khi lấy mật khỏi vướng víu. Kèo nên gác trước khi mùa hoa tràm nở, thường vào khoảng tháng mười, tháng mười một âm lịch, để cho những cơn mưa muộn rửa sạch dấu vết, mà nhánh kèo cũng đủ thời gian khô đi, giống như bao nhiêu cành khô khác. Chiếc kèo nào có dấu vết khả nghi là đàn ong tránh xa ngay. Gác kèo xong rồi thì chờ cho ong kéo đến xây tổ. Người chủ chỉ có việc lui tới thăm nom, đợi khi đến lứa thì lấy mật mang về.

Mùa đi ăn ong ở đây có nghĩa là đi vào rừng cạy tổ ong lấy mật. Đi ăn ong càng đông, càng thú vị và hào hứng. Phải chuẩn bị cây đuốc bằng lá dừa khô, đem nhúng nước hơi ướt để khi đốt lên tỏa ra nhiều khói, làm cho ong ngạt thở, sợ mà bay tản đi hết. Người thợ rừng bắt đầu trèo lên cây, đứng phía trên đầu gió mà đốt đuốc, có khi cột cây đuốc vào đầu cây sào dài đưa lên gần tổ ong.

Gặp khói cay mù mịt, bầy ong bay tỏa ra theo chiều gió xuôi và thợ ăn ong bắt đầu dùng con dao nhọn xăm thông tổ ong cho mật chảy ra, trong khi người đứng phía dưới đưa chiếc thùng nhựa hứng lấy, gọi nôm na là thúng ong. Mật ong rừng nguyên chất đặc quánh tuôn ra, cho đến khi nào hết mật mới thôi. Bấy giờ chỉ còn lại cái tổ đầy ong non nằm trong mỗi lỗ hình lục giác đều đặn, trông thật lạ mắt. Và cái xác tổ ong còn lại gọi là mứt, được cạy ra, đem về nhà, gỡ lấy hết ong non, trộn với bắp chuối, rau răm, lạc làm món gỏi thì ngon hết ý!

Có người ăn ong không hợp, mặt mày sưng vù lên, thân thể ngứa ngáy khó chịu, nhưng chỉ vài giờ sau sẽ hết. Vào dịp này, khách xa đến chơi nhà thế nào cũng được gia chủ thết đãi một chầu ong non chấm với mật ong. Có lẽ đây là món ăn mật thú vị nhất. Gia chủ bày cả một tấm ong non trên mặt chiếc mâm nhôm và một vò mật ong nguyên chất sóng sánh. Bạn cứ tự nhiên múc lấy mật cho vào chén rồi cầm con dao sắc cắt tầng ong non ra thành từng miếng như cắt bánh ga-tô, chấm vào mật. Cứ thế, vừa ăn ong vừa húp cho đến khi nào ngán mới thôi. Xong bữa tiệc ong, bạn sẽ có một cảm giác lâng lâng thèm ngủ. Không sao! Cứ đánh một giấc rồi sẽ tươi tỉnh lại ngay!

Sau khi gỡ hết ong non, người ta đem cái mứt cho vào chảo, nấu cho chảy ra thành sáp ong để dùng hoặc đem bán. Sáp nấu chảy cho vào nhiều chén để đông đặc gọi là bánh sáp, còn nếu hai bánh sáp úp lại thành đôi gọi là nan sáp.

Một tổ ong thông thường cho 3 - 5 lít mật. Tổ ong được mùa và thuộc loại to nhất chứa đến 10 lít. Và mỗi thợ rừng sau mùa gác kèo thu đến hàng trăm lít mật. Mật ong U Minh mang hương vị đặc biệt của hoa tràm nổi tiếng. Loại mật này trong và vàng như nước cam, để lâu năm không đổi màu và cũng không biến chất, đặc biệt là nó không bao giờ đọng chất đường. Mật ong là đặc sản quý giá nhất của rừng U Minh, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và ưa thích nhất hiện nay.
Biên tập: VIETBEE.BIZ